Rau muống tưới nhớt có gây ung thư như lời đồn đại?

Gần đây, việc phát hiện một số hộ nông dân dùng nhớt trên rau muống bị phát hiện gây xôn xao dư luận, nhưng chúng ta cần phải hiểu đúng tác hại tiềm ẩn của nó, tránh đồn thổi quá đáng, gây thiệt hại cho những hộ trồng rau không dùng nhớt.

Từ góc nhìn của tôi, tác hại của việc này là thấp hơn nhiều so với những gì đang được đăng trên nhiều mặt báo hiện nay. Hơn nữa, việc lo lắng về vấn đề này là không đáng, vì nó chỉ là góp một phần rất nhỏ trong dinh dưỡng hằng ngày. Làm sao để có một thực đơn đa dạng mới là điều cần quan tâm. Sau đây là các lý do dẫn tới kết luận của tôi.

Xem clip do VTC thực hiện về vụ Rau muống tưới bằng dầu nhớt:

Lý do nông dân sử dụng nhớt trên rau muống

Điều này đã được nhiều báo làm rõ. Mục tiêu chính (và có lẽ là duy nhất) của việc dùng nhớt là để trừ rầy nâu.

Sau khi thu hoạch xong, rau muống non sẽ mọc lên lại, và là mục tiêu tấn công của rầy nâu. Để tiêu diệt chúng, một số hộ nông dân đã dùng nhớt để tưới lên ruộng rau non sau khi thu hoạch, KHÔNG phải lên rau mới thu hoạch. Mục tiêu là nhờ nhớt dính lên bọ rầy mà chúng dễ bị rớt ra khỏi rau, và cuốn đi khi xả nhớt theo nước ruộng[1, 2]. Tóm lại, mục tiêu ban đầu là để diệt rầy nâu ở giai đoạn rau non mới mọc.

Đó là theo những gì các báo đã tìm hiểu được. Do không trực tiếp tham gia điều tra, tôi không thể nói liệu các hộ này có sử dụng nhớt ở giai đoạn nào nữa hay không.
Rau muong tuoi dau nhot co gay ung thu nhu loi don dai
Rau muống tưới nhớt có gây ung thư như lời đồn đại?

Các loại chất có trong dầu nhớt sau sử dụng

Nhớt mới chứa từ 70% đến trên 95% là sản phẩm chưng cất từ dầu thô. Ngoài ra còn có các thành phần phụ gia để phục vụ việc bôi trơn động cơ như chất tẩy rửa, chất chống oxy hóa, chất chống mài mòn, chất ức chế tạo bọt[3, 4].

Sau khi sử dụng, các thành phần phụ gia bị biến tính và mất dần. Dầu gốc cũng bị biến tính đi. Trong đó, sản phẩm đáng quan tâm nhất là nhóm các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), vì nhiều trong số này đến nay vẫn bị WHO xếp vào nhóm 1, nhóm các hợp chất gây ung thư cho người[5]. PAHs có thể được tìm thấy ở rất nhiều sản phẩm đun nóng hoặc đốt cháy của xăng dầu. Không có nhiều tài liệu cho thấy sự có mặt của nhóm chất này trong dầu thải[6], có lẽ vì ít ai ngờ loại dầu này có thể tiếp tục được sử dụng, nhưng kết quả cho thấy là có và đáng kể.

Ngoài ra, một số bụi kim loại do ma sát mà ra cũng có thể lẫn vào dầu nhớt thải.

Tác hại có thể của hành động sử dụng nhớt thải này.

Chiếu theo những thông tin trên, từ góc nhìn của tôi, có thể đưa ra các kết luận như sau:

Thứ nhất, nếu nông dân chỉ sử dụng ở giai đoạn đầu của việc trồng rau, thì dư lượng của nhớt trên rau tới thời điểm thu hoạch có thể không còn đáng kể.

Thứ hai, nhà chức trách có thể nhắm vào các hợp chất PAHs để xem xét tồn dư trong rau, chứ không hẳn là không biết nhắm vào nhóm chất nào như một số báo đăng. Ngoài ra, nếu lượng tồn dư đủ lớn, người dân cũng dễ dàng nhận ra được bằng việc nhúng rau vào chậu nước sạch, và xem có váng dầu trên bề mặt chậu nước sau khi nhúng rau vào hay không.

Thứ ba, việc tồn dư kim loại nặng và asen khó có thể đổ lỗi cho nhớt thải, vì các chất này tan cực kỳ kém trong chất kém phân cực như nhớt. Nếu trong rau có tồn dư các chất này, nguồn nước để trồng rau mới là điều đáng quan tâm hơn. Thật vậy, như trong một số báo cũng nói rõ, dư lượng là nằm trong tiêu chuẩn cho phép, không đủ để gây hại[7]. Tóm lại là tưới nhớt KHÔNG CÓ VẺ LÀ đóng góp đáng kể vào việc làm tăng dư lượng kim loại nặng, ít nhất là trong thời gian ngắn.

Thứ tư, tác hại của việc ăn rau “nhiễm nhớt” này cần phải xem xét nhiều khía cạnh, chứ không thể nói mà không dựa trên căn cứ khoa học nào. Đến nay không có báo cáo nào nói là các chất độc trong nhớt thải không thể bị đào thải khỏi cơ thể, cũng như chưa hề có báo cáo nào chỉ ra chúng có thể gây ra một loại các chứng bệnh nguy hiểm như một số báo đưa tin. Việc đưa ra thông tin không căn cứ như vậy không giúp ích gì cho mọi người mà chỉ làm tăng thêm sự hoảng loạn, và người bị hại đầu tiên chính là những hộ trồng rau không sử dụng nhớt. Xin nhớ cho, hành động nhiễu loạn thông tin như vậy là đang góp phần phá hoại kinh tế nước nhà.

Thứ năm, đối với môi trường, tác hại của việc tưới nhớt là đáng xem xét. Đối với thời gian ngắn, tác hại có thể chỉ dừng lại ở mức độ ô nhiễm đất mặt, làm thay đổi hệ vi sinh vật ở lớp đất này, cũng như ô nhiễm nguồn nước xung quanh. Về lâu dài, nhớt bị xả đi theo dòng nước có thể gây tác hại diện rộng và hậu quả rất khó lường

Kết luận

Từ góc nhìn của tôi, tác hại của việc sử dụng nhớt ở giai đoạn đầu của việc trồng rau muống này không quá nguy hại như các báo đang đồn thổi. Về hợp chất gây ung thư, xin hiến kế cho nhà chức trách nhắm vào các hợp chất PAHs để xem xét. Nhưng dù tác hại là về sức khỏe là ít hay nhiều, thì tác hại về mặt môi trường cũng như tác hại kinh tế lên các hộ trồng rau không theo phương pháp này là thấy rõ, như nhiều báo đã phân tích. Các biện pháp mạnh để răn đe, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự là cần thiết.

Còn đối với người dân, xin mọi người đừng quá lo lắng, vì bởi lẽ, chất mọi chất độc đều cần tích tụ trong cơ thể tới 1 ngưỡng nào đó mới có độc tố đáng kể. Việc lo ngại về chỉ 1 loại thực phẩm bị nhiễm độc (mà thực tế là cũng chưa đủ bằng chứng cho thấy nó bị nhiễm độc như trong trường hợp rau muống này), chỉ làm mọi người lo lắng thái quá, mà quên đi rằng trừ khi mọi người ăn nó hằng ngày, thì lượng độc tố tích tụ mới đáng kể. Việc quan trọng hơn cần lo lắng bây giờ không phải là nên ăn gì, tránh gì, mà là làm sao để đa dạng hóa thực đơn hằng ngày, tránh ăn quá nhiều hoặc thường xuyên một loại thực phẩm nào. Đó là cách đơn giản để tránh bị tích tụ độc tố, thay vì chỉ ngồi than thở về các vấn đề an toàn thực phẩm.

Nguyễn Cao Luân

Tài liệu tham khảo:

  1. Tưới nhớt thải lên rau muống để diệt sâu vì giá rẻ. Available from: http://news.zing.vn/Tuoi-nhot-thai-len-rau-muong-de-diet-sau-vi-gia-re-post618263.html.
  2. Rau muống bị tưới nhớt, ngâm hóa chất gây hại gì? ; Available from: http://phapluattp.vn/suc-khoe/dinh-duong/rau-muong-bi-tuoi-nhot-ngam-hoa-chat-gay-hai-gi-606447.html.
  3. Dầu nhờn. Available from: https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BA%A7u_nh%E1%BB%9Dn.
  4. Motor oil. Available from: https://en.wikipedia.org/wiki/Motor_oil#Other_additives.
  5. POLYCYCLIC AROMATIC HYDROCARBONS – Summary of Data Reported and Evaluation, in IARC MONOGRAPHS.
  6. Bingham, E., R.P. Trosset, and D. Warshawsky, Carcinogenic potential of petroleum hydrocarbons: a critical review of the literature. J Environ Pathol Toxicol, 1979. 3(1-2): p. 483-563.
  7. Rau muống nhiễm kim loại nặng. Available from: http://vtc.vn/rau-muong-nhiem-kim-loai-nang.321.584831.htm.

Nguồn:
http://ruybangtim.com/rau-muong-tuoi-nhot-co-gay-ung-thu-nhu-loi-don-dai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

© Copyright 2015. Website by Way2themes